Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

XÁC ĐỊNH THỜI GIAN XUẤT HIỆN VIỆC ĐỒNG NHẤT LÝ PHỤC MAN VỚI PHẠM TU

Tôi đã đọc khá kỹ bài viết hàng chục trang về Lý Phục Man của ông Nguyễn Thế Dũng đã đăng ba lần (sẽ còn đăng tiếp) trên blog Người làng Giá (NLG). Cố gắng xem có thấy quan điểm mang tính thuyết phục của việc đồng nhất không. Vẫn chưa có, và có lẽ sẽ không có! Vì nếu có cũng nêu ra chứ đâu cần dùng cụm song tên “Phạm Tu-Lý Phục Man” mà chỉ cần gọi “Phục Man tướng công”, hay “Lý phò mã” là đủ rồi.
Có cơ sở khoa học thì cũng không ai viết dài để bộc lộ mâu thuẫn mà trong đó rất nhiều điểm không thể là của Phạm Tu-trưởng ban Võ nhà nước Vạn Xuân, và có khi lại không còn là của Lý Phục Man nữa. Chúng ta thấy GS. Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) cũng không tìm ra tên “khai sinh” của Lý Phục Man và khi đó ông đã chưa gặp vấn đề đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu. Rõ ràng việc đồng nhất đã xảy ra sau năm 1939-sau khi GS. Nguyễn Văn Huyên công bố công trình nghiên cứu về Lý Phục Man.
GS. Nguyễn mất năm 1975 ở CHDC Đức khi chữa bệnh tại đó, đây là mốc thời gian chúng ta có thể xem xét trước khi có thông tin về việc đồng nhất chính thức in trên sách phát hành rộng rãi năm 1991: “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội).
Có thể co hẹp thời gian là việc nghi vấn đã phôi thai từ trước và sau đó đến những năm 70 và 80 của thế kỷ trước đã bắt đầu xảy ra việc đồng nhất này và trở thành một chủ đề quan tâm của giới khoa học. Khi GS. Nguyễn Văn Huyên là Phó hội trưởng Hội Sử học (năm 1966 ông được bầu phó hội trưởng trong Đại hội thành lập), điều này chắc đã chưa công bố rộng rãi?
Xin trích đoạn viết của NLG làm căn cứ:
Học giả Nguyễn Văn Huyên đã viết “Lý Phục Man chỉ là cái tên vua ban. Cả tên lẫn họ đều không phải tên họ của Tướng công lúc ra đời. Được gia ân mang tên họ mới và sau đấy người ta chỉ còn gọi biệt danh đến nỗi tên gốc hoàn toàn biến mất”. Và dân làng Giá chỉ còn kiêng tên Man mà không kiêng tên Tu nữa. Sự thực là tên gốc của Tướng công không hoàn toàn mất. Một số cuốn sách bằng chữ Hán ghi lại sự tích của Tướng công vẫn còn đó, những lời truyền miệng trong dân gian do những nhà nho xưa kể lại vẫn còn đó: Phạm Tu và Lý Phục Man là danh xưng của một người, một nhân vật lịch sử quê gốc ở làng Giá xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Nói cách khác Phạm Tu chính là Lý Phục Man hay ngược lại Lý Phục Man chính là Phạm Tu.
GS. Nguyễn Văn Huyên quê xã Kim Chung, Hoài Đức ở ngay gần Yên Sở (cách khoảng 4km), cùng trên trục đường thiên lý xứ Đoài xưa, chúng ta tin tưởng ông là người có nhiều thông tin về Lý Phục Man nhất khi khai thác tài liệu có những năm ba mươi của thế kỷ trước. Cuốn “Hồi ức Nguyễn Văn Huyên” do con gái ông ghi lại cả một phần nói về các công trình khoa học trong đó có công trình mà chúng ta quan tâm.
«Nhưng có thể nói rằng đối với ngành dân tộc học Việt nam thì ông là người đầu tiên sử dụng các phương pháp khoa học hiện đại cho việc điền dã đó thì chính xác hơn. Các phương pháp ấy thể hiện rất rõ ngay từ trong chuẩn bị luận án tiến sĩ của ông về “Hát đối nam nữ” và “Nhà sàn Đông Nam Á”, cũng như trong tất cả các đề tài về sau này....
Đó chính là những phương pháp khoa học hiện đại đầu tiên mà ông đưa vào hai công trình nghiên cứu đó. Những cái đó là hoàn toàn mới, mang một hơi thở mới vào trong nghiên cứu văn hoá, lịch sử Việt nam. Sau khi về nước ông tiếp tục triển khai và sử dụng các phương pháp đó bây giờ ta gọi là phương pháp quan sát trực tiếp và tham dự. Thí dụ như khi ông viết về hội Gióng hay hội Lý Phục Man thì ông phải ở đấy cả tháng. Ở hội Lý Phục Man, ông ở tại đây 15 ngày, quan sát xem xét, tham gia và thực hiện ghi chép rất tỉ mỉ. Hiện nay ở nhà vẫn còn giữ được mấy quyển ghi chép của ông rất hay mà sau này nó được thể hiện trên các bài báo của ông.»
GS. Trần Quốc Vượng đánh giá: “Ông là một nhà khoa học nhân văn lớn và hiện đại đầu tiên ở nửa đầu thế kỷ 20 này”... “Giới nghiên cứu trẻ/già hôm nay còn được học và phải học ở ông nhiều về phương pháp luận và các phương pháp tiếp cận những sự kiện nhân văn, vừa cụ thể vừa tổng thể.” (Theo cuốn “Trần Quốc Vượng”, trang 945).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Họ tên:
Email:
Tiêu đề:
Lời nhắn:
Xác nhận:
free counters