Theo cuốn “Thành hoàng Việt Nam” của Phạm Minh Thảo (Nxb. Văn hóa thông tin, H., 1997, tập II, tr. 565), chúng tôi nhiều lần thăm Đình Ngoại: nơi thờ chính thức của Phạm Tu ở Đình Ngoại, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Chính quê ông còn có miếu Vực thờ ông cùng hai vị song thân là Phạm Thiều và Lý Thị Trạch. Thanh Liệt có Đình Lý Nhân được nhân dân lập để thờ vọng Phạm Tu vì Đình Ngoại trước là nơi hương lý hội họp nên dân khó vào.
Phần mộ của ông trên vùng đất cửa sông Tô Lịch (nơi ông ngã xuống khi chống quân xâm lược nhà Lương năm 545) cũng là một địa chỉ tâm linh quan trọng.
Bên cạnh đó, qua cuốn “Linh thần Việt Nam” của GS. Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo (Nxb. Văn hóa Thông tin, H. 2002), còn tìm được 3 địa phương có thờ vị Đô Hồ Đại vương, tuy nhiên chưa xác định được những nơi đó có phải chính là nơi thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu hay không.
1. Xã Linh Khê, Nam Sách, Hải Dương thờ 3 vị đại vương: Uy Minh, Quy Chân, Đô Hồ đại vương
2. Xã Hương Vân, tổng Nội Viên, huyện Tiên Du, Bắc Ninh thờ Đô Hồ đại vương và Hải Tịnh phu nhân công chúa
3. Xã Nhân Hào Thượng, tổng Sài Trang, Yên Mỹ, Hưng Yên thờ Đô Hồ tế thế đại vương (Phạm Tu-Nơi thờ cúng đăng trên http://vi.wikipedia.org/)
Ngoài ra, ở đình Hà Trì thuộc quận Hà Đông có thờ Đô Hồ đại vương (không rõ tên thật), nhưng theo thần tích thì đó là một nhân vật làm quan cuối thời Trần, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.
Theo cuốn “Địa chí Hà Tây” của Sở Văn hóa thông tin Hà Tây, xuất bản 2007 thì thần tích làng Ngọc Than thuộc Quốc Oai (bản Vạn Xuân quốc đế ký có ký hiệu AE. A10/27 lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho rằng Phạm Tu tên thật là Phạm Chí. (?)
Làng Ngọc Than xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai có thờ Phạm Tu. Trong hàng trăm di tích thờ Lý Nam Đế, Lý Phục Man, … có thể nhiều nơi cũng thờ danh tướng Phạm Tu-vị khai quốc công thần nhà Tiền Lý đã để lại dấu ấn không phai mờ đối với kinh đô Vạn Xuân trên đất tiền Thăng Long.
Trên báo điện tử Thái Bình gần đây công bố một số di tích liên quan đến việc chống giặc thời Tiền Lý như Cổ Trai (Hưng Hà, Thái Bình) nhắc đến Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục về đây cự giặc và ở Hoàng Sơn xã Thụy Văn, Thái Thụy, Thái Bình có nơi thờ Phạm Tu. Điều này chứng tỏ vùng châu thổ sông Hồng và xứ Nghệ còn những nơi thờ Phạm Tu từ xa xưa mà chúng ta chưa thể xác định được.
Bên Hồ Tây có di tích từ thời Tiền Lý: đền Bái Ân, chùa Khai Quốc (chùa Trấn Quốc ngày nay), chùa Kim Liên, chùa Bát Tháp, am Phúc-Lộc-Thọ ở Trích Sài thờ phu nhân Vạn Thọ (tên gọi gắn liền với điện Vạn Thọ-nơi triều hội) và 2 công chúa (Vạn Phúc, Vạn Lộc) con gái của Lý Nam Đế có công diệt thủy quái Hồ Tây. Rất có thể Kinh đô Vạn Xuân cũng được xây dựng ở vùng này vì Tô Lịch Giang thành chính là vị trí yết hầu bảo vệ Kinh đô được xây dựng đầu tiên trên đất phía nam sông Hồng vào thời tiền Thăng Long.
Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét