Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Lý Phục Man có phải là Phạm Tu hay không?

Nguyễn Khắc Đạm
Gần đây, trên báo Hà Nội mới số chủ nhật 11-9-1983 trong bài: “Tướng Phạm Tu với nhà nước Vạn Xuân” tại trang 2, sau khi nêu lai lịch và chiến công của Phạm Tu, viên tướng giỏi của Lý Nam Đế, ông Đàm Hưng viết:
“Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Phạm Tu là người có công nhiều trong việc trấn trị các lực lượng chưa thuần phục, mang tính chất cát cứ. Vì thế ông được Lý Nam đế phong chức Phục Man tướng quân và cho đổi họ. Vì thế nhân dân còn gọi Phạm Tu là Lý Phục Man.”
Để xác định Phạm Tu có phải là Lý Phục Man hay không, chúng ta không thể không căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, đặc biệt là vào những thư tịch cổ đời xưa để lại.
Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư chúng ta thấy chép trong kỷ nhà Tiền Lý:
“Quý Hợi...(543)... mùa hạ, tháng 4, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở quận Cửu Đức”.
“Giáp Tý...(544)... vua nhân đánh được giặc, tự xưng là Nam Việt đế, lên ngôi... lấy Triệu Túc làm thái phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng văn và tướng võ(1).”
Đến kỷ nhà Lý, chúng ta lại thấy chép việc Lý Thái Tổ đến bến đò Cổ Sở và nằm mê thấy Lý Phục Man cũng như việc quân xâm lược Nguyên Mông đời Trần khi đến Cổ Sở đều bị đánh bại(2).
Như vậy bộ thống sử cổ nhất xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XV mà chúng ta còn giữ lại được đến ngày nay đã chép rõ rệt Phạm Tu và Lý Phục Man là hai người khác nhau.
Cuốn Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, một trong những tập truyện cổ nhất, xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XIV cũng viết về Lý Phục Man và Phạm tu là hai người khác nhau. Trong truyện: “Chứng an minh ứng hiệu Quốc công” Lý Tế Xuyên cho rằng, theo tập Ngoại sử ký của Đỗ Thiện, một tác phẩm xuất hiện từ thế kỷ XII, thì Lý Phục Man là tướng của Lý Nam Đế, có công đánh đuổi được giặc Chiêm Thành ở trấn Giáp Sơn (vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh ngày nay) và khi chết được nhân dân Yên Sở lập đền thờ. Lý Tế Xuyên cũng cho biết Lý Phục Man được vua cho trấn giữ đất Đỗ Động, Đường Lâm (ứng với địa phận các huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai ngày nay), và trong hai cuộc chiến tranh giữ nước chống quân xâm lược Nguyên – Mông trên đất nước ta năm 1257 và 1287, xã Yên Sở (có tên là Cổ Sở đời Trần), quê hương của Lý Phục Man, đều lập được chiến công oanh liệt, tiêu diệt được nhiều quân giặc khiến cho chúng không xâm phạm được tới làng. Đến truyện: “Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế”, Lý Tế Xuyên lại cho biết Lý Bôn có sai tướng là Phạm Tu đánh giặc ở Cửu Đức.
Có điều là, trong bản dịch Việt điện u linh, dịch giả Trần Đình Rư có đưa thêm bản phụ chép sự tích thần Yên Sở, lấy ra từ cuốn Đại Việt ngoại sử, nên chúng ta được biết Phục Man còn được Lý Nam Đế phong làm đại tướng và vì Lý Phục Man có công phá được giặc Lâm Ấp ở quận Cửu Đức (Thanh - Nghệ - Tĩnh ngày nay) nên được nhà vua gả cho công chúa Lý Nương và tặng thê chức thái úy, đứng đầu các quan. Hẳn tư liệu Lý Phục Man đứng đầu các quan và đánh thắng quân Chiêm Thành phù hợp với tài liệu của Đại Việt sử ký toàn thư nói Phạm Tu đứng đầu các quan võ và cũng đánh thắng quân Chiêm Thành đã khiến cho ông Đàm Hưng đồng nhất Phạm Tu với Lý Phục Man. Nhưng chính bản phụ chép sự tích thần Yên Sở này còn cho biết sau khi Lý Nam Đế chết năm 547, thì Lý Phục Man bị man binh đánh úp rồi bị bị giặc đuổi gấp nên đã phải quyên sinh. Thế mà theo nhà sử học Nguyễn Lương Bích trong cuốn Những người trẻ làm nên lịch sử (NXB Thanh niên, Hà Nội 1974, tr. 152-169) thì căn cứ vào thần phả, Phạm Tu lại là người xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, tham gia khởi nghĩa cùng Lý Bí năm 541, khi 65 tuổi đánh thắng giặc Lâm Ấp ở quận Cửu Đức năm 543 khi 67 tuổi và chết năm 545 khi 69 tuổi. Tư liệu quan trọng này về Phạm Tu khiến cho người ta không thể đồng nhất được Lý Phục Man với Phạm Tu. Vì Lý Phục Man quê ở xã Yên Sở, huyện Đan Phượng, còn Phạm Tu thì quê ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, khi tham gia khởi nghĩa với Lý Bí, Lý Phục Man mới còn là một người trẻ tuổi, còn Phạm Tu thì đã là một người già. Cũng vì thế mà Lý Phục Man sau khi thắng Chiêm Thành mới được Lý Nam Đế gả công chúa cho, còn Phạm Tu với cái tuổi 67 kh thắng giặc Chiêm thì hẳn không thể nào còn được vua gả con gái cho nữa. Phạm Tu lại chết năm 545, khi Lý Nam Đế còn sống, còn Lý Phục Man lại chết sau khi Lý Nam Đế băng hà năm 547.
Bộ Đại Nam nhất thống chí, tập IV (NXB khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 226) cũng cho biết thần xã Yên Sở, huyện Đan Phượng là Lý Phục Man, vì lập được nhiều chiến công nên được nhà vua cho tên là Phục Man và cho quốc tính là Lý, lại thăng lên chức thiếu úy (chứ không phải là thái úy, hàm ngang với chức tể tướng đầu triều như cuốn Đại Việt ngoại sử nói). Nhưng khác với bản phụ chép về Lý Phục Man, trong bản dịch Việt điện u linh, bộ Đại Nam nhất thống chí lại nói Lý Phục Man bị người Chiêm Thành đánh bại nên tự tử. Ngoài sự kiện Lý Thái Tổ đến bến Cổ Sở (tức Yên Sở, Cổ Sở là tên cũ của xã Yên Sở) nằm mơ thấy Lý Phục Man nên cho lập đền và tô tượng theo hình dáng người trong mộng cũng như hàng năm tế tự, bộ Đại Nam nhất thống chí còn cho biết việc vua Trần Thái Tôn đi tuần du, nghỉ ở bến Cổ Sở lại nằm mơ thấy Lý Phục Man nên đã sai sửa lại đền và gia phong.
Trong tập Tiền Lý Nam Đế sự tích quốc âm của Phượng Thành dã sĩ viết năm Gia Long thứ hai (1803), bản chép tay do ông Nguyễn Bá Hân người làng Yên Sở sưu tầm được trong vùng, đoạn:
“Mưu trong đành cậy Tinh Thiều
Lầu thông quốc kế quyết liều dặm xa
Chống ngoài Phục Man, Phạm Tu
Những tài bá nghiệp vương đồ trên tay”
Khiến cho người ta có thể tưởng Phục Man là Phạm Tu. Nhưng đoạn khác ở phía dười kể về việc đánh Chiêm Thành lại viết:
“Phạm Tu vâng mệnh binh ban
Đem quân tiến hiển phá tan một giờ
Chông chênh mặt ấy khôn lo
Cửa trùng chọn kẻ xứng vừa phân ly
Ngọc ân hoán phải luân ty
Sai quan thiếu úy trước thì Phục Man.”
Đoạn sau rõ ràng nói tới hai việc: việc bình Chiêm toàn thắng của Phạm Tu và việc người đi trấn giữ nơi phên dậu của đất nước Vạn Xuân là quan thiếu úy Phục Man. Mà đất phên dậu của nước Vạn Xuân thời này phải gồm có nhiều vùng và đất Đỗ Động, Đường Lâm được Lý Phục Man trấn giữ là một trong các vùng ấy. Đọc được đoạn sau, chúng ta có thể dễ dàng bổ sung dấu phẩy, cái dấu mà đời xưa chưa biết sử dụng, và chúng ta có thể thấy rằng trong đoạn trên tác giả Tiền Lý Nam Đế sự tích quốc âm cũng định viết Phục Man và Phạm Tu là hai người khác nhau chứ không phải một.
Điểm lại nội dung các thư tịch cổ, chúng ta rõ ràng thấy rằng, không có một thư tịch nào nói Lý Phục Man là Phạm Tu. Có điều là tư liệu ở Đại Việt sử ký toàn thư nói Phạm Tu đứng đầu các quan võ, lại từng đánh thắng Chiêm Thành có phần nào trùng hợp với tư liệu ở Đại Việt ngoại sử nói Lý Phục Man vì có công đánh Chiêm Thàh nên được Lý Nam Đế thăng chức thái úy, đứng đầu các quan nên khiến người ta có thể có khuynh hướng đồng nhất hai người là một. Nhưng tất cả các tư liệu khác đều thấy rõ Lý Phục Man và Phạm Tu là hai người khác nhau với quê quán khác nhau, tuổi tác và ngày chết khác nhau. Nếu theo cấp bậc quân đội hiện nay thì chúng ta có thể ví Phạm Tu với đại tướng tổng tư lệnh và Lý Phục Man với cấp chỉ huy sư đoàn hoặc quân đoàn. Việc Lý Phục Man được cử đi trấn trị đất Đỗ Động – Đường Lâm cũng cho thấy rõ ông khác với Phạm Tu vị đứng đầu các quan võ nên phải ở trong triều để chỉ huy toàn quân. Tổng hợp tất cả các nguồn tư liệu, kể cả những tư liệu thư tịch, tư liệu truyền thuyết và thực tế địa phương, chúng ta có thể xác định được Lý Phục Man là người võ nghệ cao cường, cưỡi ngựa, bắn cung đều giỏi, “có sức trị được voi”, còn trai trẻ đã tham gia khởi nghĩa cùng Lý Bí và đã lập được nhiều chiến công đánh quân nhà Lương và nhất là quân Chiêm Thành, nên được Lý Nam Đế ban tước hiệu là Lý Phục Man, cho quốc tính là Lý, gả con gái cho, cử đi giữ đất Đường Lâm, Đỗ Động. Sau khi Lý Nam Đế chết năm 547, trong một trận bị man binh tập kích Lý Phục Man đã bị thua chạy, phải quyên sinh rồi được chôn ở bãi sông làng Yên Sở (Tư liệu của Đại Nam nhất thống chí cho rằng Lý Phục Man bị người Chiêm Thành đánh bại nên tự tử không phù hợp với viên đá lớn ở cánh đồng Yên Sở với dấu chân ngựa và đầu ông, nên không thể đứng vững được). Người ta không rõ tên thực của ông là gì, chắc vì cái tên Lý Phục Man được Lý Nam Đế ban cho ông, được người ta quen dùng đến mức tới thời có sắc thần vua phong thì người ta đã không còn biết tên cũ của ông là gì nữa.
Dân làng Yên Sở từ ngàn xưa đã rất quý trọng con người anh hùng của mình nên đãlập đền thờ ông sau khi chết. Hẳn cũng vì thế nên mấy trăm năm sau, Lý Thái Tổ nhân khi đi tuần du nghỉ ở bến làng Yên Sở (xưa có tên là bến Hồ Mã) mới tham quan đền, hỏi han dân chúng sự tích thần nên mới cảm kích và nằm mơ thấy thần và đã cho tạo tượng cũng như lập đền thờ mới hẳn là to đẹp hơn đền thờ cũ. Rồi, hẳn vì sự tồn tại của ngôi đền thờ to đẹp này mà mấy trăm năm sau, Trần Thái Tôn khi đi tuần du qua đây cũng đến tham quan đền, cũng nằm mơ thấy thần và cho sửa lại đền. Và với sự đặc biệt chăm sóc của hai vị vua sáng lập ra triều Lý và triều Trần này, cũng như với các biện pháp khác như các nhà vua bớt thuế cũng như lực dịch cho dân làng Yên Sở, nên dân làng mới có điều kiện hàng năm tổ chức tế thần một cách linh đình và mới có điều kiện xây dựng một ngôi đình to lớn, quy mô rộng rãi vào bậc nhất ở nước ta đời xưa, với kiến trúc, trang trí độc đáo và với cả một khu rừng cấm nơi chôn Lý Phục Man ở sau đình. Cũng nên lưu ý là, ngoài Yên Sở là quê quán Lý Phục Man, còn có nhiều nơi khác tại ngoại thành Hà Nội, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh và Hải Hưng thờ ông. Ở những nơi thờ ông nói chung, người ta thường kiêng tên Man và nói trệch là Miêng hay Men. Như mắng ai là “man trá” thì người ta nói là “đồ men trá”.
Tháng 12-1983
Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 6-1983, tr.70-72
(1) Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch của Viện Sử học, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội, T. I. tr. 118.
(2) Như trên, tr. 193-196.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Họ tên:
Email:
Tiêu đề:
Lời nhắn:
Xác nhận:
free counters