Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

PHẠM TU (sinh 476, mất 545 hay 548)

Vũ Tuân Sán
Trong cuộc đấu tranh bền bỉ và lâu dài suốt mười thế kỷ (từ đầu công nguyên cho đến đầu thế kỷ X) của dân tộc ta chống các tập đoàn xâm lược nước ngoài để giành quyền tự chủ, cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo đầu năm 542 là một phong trào có quy mô tương đối rộng lớn. Trong bài Việt sử tổng luận, nhà sử học Lê Tung đã đánh giá cuộc nổi dậy như sau: “Phía Bắc đuổi Tiêu Tư, phía Nam dẹp Lâm Ấp, dựng tên nước, chính ngôi tôn, đặt trăm quan, định niên hiệu, có đại lược về quy hoạch của đế vương”. Để thực hiện được sự nghiệp trên, Lý Bí đã có những cộng tác có tài đức: Triệu Túc làm Thái phó, Phạm Tu làm tướng võ, Tinh Thiều làm tướng văn. Về ba danh nhân này, chính sử không cho biết rõ quê quán ở đâu. Việc điều tra gần đây về lịch sử địa phương cho phép bổ khuyết một phần vào sự thiếu sót đó. Hà Nội có thể tự hào là quê hương của tướng Phạm Tu, vốn người làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.
Theo thần phả còn giữ được ở địa phương, Phạm Tu sinh năm Bính Thìn (476) vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Cuối năm Tân Dậu (tháng chạp âm lịch tức tháng 1 năm 542) Lý Bí dấy quân chống tên thứ sử Tiêu Tư tham tàn. Cuộc khởi nghĩa đã liên kết được các hào kiệt trong nước. Phạm Tu lúc đó đã 66 tuổi, mặc dù tuổi cao cũng vẫn hăng hái đem binh mã đến giúp và đánh đuổi họ Tiêu khiến hắn phải trốn chạy về Quảng Châu. Nghĩa quân đánh chiếm được thành Long Biên và gấp rút chuẩn bị đối phó với sự phản công của quân giặc. Quả nhiên đầu năm 543, quân Lương lại kéo sang xâm lược, chúng tập trung tướng tá quân sĩ tại bán đảo Hợp Phố (thời kỳ đó vẫn thuộc Châu Giao, tức gắn liền với địa bàn nước ta). Lý Bí đã chủ động đem quân sang tấn công và chiến thắng lớn, tiêu diệt gần hết toán quân xâm lăng.
Tháng 5 năm 543, quân Lâm Ấp ở phương Nam lợi dụng những khó khăn của ta trong việc dẹp quân Lương, đã tiến ra xâm phạm bờ cõi, tiến ra đánh phá miền Đức Châu (Hà Tĩnh ngày nay), Phạm Tu được lệnh đem quân chống lại và đã diệt gọn quân giặc, ổn định được miền biên giới phương Nam. Chiến thắng trên tạo điều kiện cho Lý Bí đầu năm sau (tháng 2 năm 544) chính thức lên ngôi vua, tự xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân.
Ba năm sau (545) quân phong kiến nhà Lương tổ chức lại cuộc chinh phục, cử Dương Phiêu làm thứ sử và Trần Bá Tiên ở Chu Diên, bị thua, bèn lui về cửa sông Tô Lịch (khoảng phố Chợ Gạo ở nội thành Hà Nội hiện nay) dựng thành luỹ để chống lại quân giặc. Tại đây quân của Lý Nam Đế đã chiến đấu rất anh dũng chống lại quân Trần Bá Tiên đông mạnh gấp bội, Vì lực lượng quá chênh lệch, quân ta phải rút lui. Chính Phạm Tu đã hy sinh trong trận chiến đấu ác liệt này. Theo thần phả địa phương ông mất vào ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu (545) “trong vòng chiến đấu, xoay cuộc tang thương, Đại vương phút chốc hiển linh thần hoá”. Sử chí không chép việc Phạm Tu hy sinh vào năm nào. Tập diễn ca Thiên Nam ngữ lục viết vào thế kỷ thứ XVIII có ghi cái chết của vị tướng họ Phạm nhưng thời điểm mãi ba năm sau, khi Lý Nam Đế rút về Gia Ninh (Việt Trì) đóng ở hồ Điển Triệt rồi bị quân Trần Bá Tiên tiến đánh, nghĩa quân lại lui về động Khuất Lão và Phạm Tu đã cùng hy sinh với Lý Nam Đế tại ngay động này (tháng 4 năm 548).
Phục Man trấn thủ cõi xa
Nghe tin Nam Đế phải thua Triệt Hồ
Vua cùng tướng quân Phạm Tu
Vào Khuất Liêu động thác hư lên trời
Dù sao thì hai tài liệu trên đều thống nhất ở chỗ Phạm Tu đã tử tiết trong khi chiến đấu chống quân xâm lược. Theo thần tích và truyền thuyết địa phương, ông được phong là Biên Hầu, và có tên thuỵ là Đô Hồ vì tương truyền thần Tây Hồ đã ứng điềm lành khi ông ra đời. Quê hương ông chính là thôn Văn thuộc xã Thanh Liệt ngày nay, tức cũng là quê của Chu Văn An nhà nho nổi tiếng cuối triều Trần sau này. Vua còn ra lệnh cho làng phải dựng đình phụng sự và cả xã Thanh Liệt được công nhận là thang mộc ấp, tức là được miễn trừ sưu dịch để tạo điều kiện cho việc phụng thờ. Ngôi đình chiếm một khu khá đẹp ở cánh đồng thôn Trung, xã Thanh Liệt hiện nay. Trong nội cung hiện còn bức tranh vẽ chân dung ông, ngoài mấy bức tranh khác vẽ những bộ hạ của ông. Theo các phụ lão địa phương, những bức tranh này vẫn truyền lại từ lâu đời, đến năm Nhâm Thân (1932) mới tô họa lại như đã được ghi trên bức tranh treo trong khám. Còn khá nhiều câu đối nhắc lại sự nghiệp đánh giặc cứu nước của ông, tỉ dụ như câu:
Trượng nghĩa cự Lương binh, hách hách tư trung huyền nhật nguyệt
Phong hầu mình Lý sử, miên miên thang mộc ấm phần du
(Khởi nghĩa dẹp quân Lương, lẫm liệt tinh trung ngời nhật nguyệt
Phong hầu sáng sử Lý, vẻ vang thang mộc rạng quê hương).
Hoặc câu:
Tướng sử lục triều, Lương địch quốc.
Thần bi nhất Phạm, liệt danh hương
(Chống quân Lương mức đối địch thời Lục triều, dũng tướng lừng danh sử chép
Dòng họ Phạm quê lừng danh đất Thanh Liệt, thần võ còn dấu bia truyền).

Nguồn tin: Hà Nội Portal, cuốn “Hà Nội xưa & nay”
Đăng trên: http://www.thanglonghanoi.gov.vn/
Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Họ tên:
Email:
Tiêu đề:
Lời nhắn:
Xác nhận:
free counters