PHẠM ĐÌNH NHÂN
Bộ chính sử lớn của nước ta, cuốn Đại Việt sử ký toàn thư đã để lại những dòng ghi về vị tướng tài họ Phạm như sau:
“Mùa hạ, tháng 4 năm Quý Hợi (543) vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng Phạm Tu đánh tan giặc ở quận Cửu Đức” và:
“Mùa Xuân, tháng Giêng năm Giáp Tý (544), vua lên ngôi, xưng là Nam Việt Đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân là ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái Phó, lấy Tinh Thiều, Phạm Tu làm tướng văn, tướng võ”.
Cuốn Việt Nam sử lược cũng viết:
“Qua năm Quý Hợi (543) quân Lâm Ấp lại sang quấy phá quận Nhật Nam, Lý Bôn sai tướng là Phạm Tu vào đánh ở Cửu Đức (Hà Tĩnh), người Lâm Ấp thua chạy về nước.”
Đó là nói về những cứ liệu trong quốc sử, nhưng còn nguồn thư tịch khác ngoài quốc sử là các đạo sắc phong của các triều đại từ triều Lê đến triều Nguyễn phong cho Long Biên hầu Đô Hồ Đại vương Phạm Tu, thì ở Thanh Liệt cho đến nay còn giữ được 18 đạo sắc phong quan trọng.
Những tư liệu quốc sử, sắc phong là những thư tịch chính thống đã giúp rất nhiều trong việc tìm hiểu danh tướng Phạm Tu. Ngoài ra còn khá nhiều nguồn tài liệu ghi chép mà chủ yếu là tại đền thờ nơi quê hương danh nhân ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nơi đây có rất nhiều tư liệu như thần tích, bài vị, câu đối v.. v.. nói về Người.
Theo thần tích, Phạm Tu người làng Thanh Liệt. Nơi sinh ra Phạm Tu, xưa kia là một xóm bãi vải tiến vua nằm bên sông Tô Lịch thuộc thôn Văn Trì, làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm trấn Sơn Nam, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Phạm Tu sinh ngày 10 tháng 3 năm Bính Thìn (năm 476), thân phụ là Phạm Thiều, thân mẫu là Lý Thị Trạch. Khi lớn lên, Phạm Tu phương phi, tuấn tú, học giỏi, tư chất thông minh, hay đọc sách nhất là binh thư yếu lược. Người vóc dáng rất khoẻ và trở thành đô vật nổi tiếng trong vùng, thường được gọi là Phạm Đô Tu.
Cuối năm Tân Dậu (tháng Giêng năm 542), Giám quân châu Cửu Đức là Lý Bôn (hay còn gọi là Lý Bí) dấy binh khởi nghĩa, chống lại quân đô hộ nhà Lương và viên thứ sử cai trị nước ta bấy giờ là Tiêu Tư nổi tiếng tàn ác. Cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn được nhân dân và anh hào khắp nơi ủng hộ nô nức kéo về giúp sức. Ở Đan Phượng (Hà Tây) có hào trưởng Triệu Túc, ở Sấu Giá, Hoài Đức (Hà Tây) có Lý Phục Man. Lại có cả Tinh Thiều nguyên là quan cai trị của Nhà Lương, bỏ quan chức chạy về với quân khởi nghĩa. Trong số những vị anh hùng tham gia cùng Lý Bôn khởi nghĩa phải kể đến võ tướng Phạm Tu.
Năm ấy Phạm Tu đã 67 tuổi, song tuổi tác không ngăn được lòng yêu nước đánh đuổi ngoại xâm. Phạm Tu đã tập hợp binh mã, tổ chức quân khởi nghĩa và trở thành một võ tướng chủ chốt của quân khởi nghĩa. Ông cùng với Triệu Túc và Tinh Thiều, trở thành ba vị lãnh đạo chính trong bộ tham mưu của cuộc kháng chiến chống quân Lương do Lý Bôn lãnh đạo. Quân khởi nghĩa đánh đâu thắng đấy. Thứ sử Tiêu Tư bỏ chạy về nước. Nghĩa quân chiếm đóng thành Long Biên và chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lăng mới của địch. Năm sau, năm 543, Nhà Lương lại tập trung quân chuẩn bị đánh chiếm nước ta. Lý Bôn chủ động đem quân tấn công, tiêu diệt được gần hết đoàn quân xâm lược này. Cũng trong thời gian đó, vua Lâm Ấp (Chiêm Thành) lợi dụng tình hình quân khởi nghĩa đang đương đầu với phương Bắc, đã đem quân đánh phá vùng Cửu Đức (Hà Tĩnh ngày nay) vào tháng 5 năm 543. Lý Bí cử danh tướng Phạm Tu đưa quân đi chống lại và cuối cùng đã tiêu diệt gọn quân Lâm Ấp, ổn định biên giới phía Nam. Những chiến thắng trên đã đưa Lý Bí chính thức lên ngôi vua vào đầu năm 544, lấy danh hiệu là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu Ban Văn, Phạm Tu đứng đầu Ban Võ của triều đình trở thành vị khai quốc công thần Nhà Tiền Lý.
Tháng 6 năm Ất Sửu (năm 545), Nhà Lương lại tổ chức xâm lược nước ta một lần nữa. Quân Lương cử hai tướng thiện chiến là Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy đại quân theo đường biển tiến sang nước ta. Lý Bí chống cự ở Chu Diên (vùng duyên hải Thái Bình, Nam Định) không nổi, lui về củng cố thành trì ở cửa sông Tô Lịch (nay là đoạn phố Chợ Gạo, Hà Nội). Võ tướng Phạm Tu giữ cửa sông Tô Lịch một thời gian, nhưng vì tuổi cao sức yếu, quân giặc lại đông, nên ông đã hy sinh anh dũng vào ngày 20 tháng 7 năm ấy. Lý Nam Đế rút quân vào Gia Ninh đóng đồn ở hồ Điển Triệt, luyện tập binh mã để sau khôi phục lại.
Xét công trạng của Phạm Tu, Lý Nam Đế ban tặng phong Phạm Tu là Long Biên hầu, đặt thụy là Đô Hồ, phong làm Bản cảnh thành hoàng, sắc cho bản hương là Thang Mộc ấp, sưu sai tạp dịch đều được miễn trừ, ban 100 nén bạc lập miếu phụng sự lưu truyền mãi mãi, đó là làng Thanh Liệt, nơi sinh ra danh tướng Phạm Tu.
Hiện nay ở xã Thanh Liệt có hai nơi thờ danh tướng Phạm Tu, đó là Miếu Vực và Đình Ngoài. Miếu Vực nằm ở xóm Vực, miếu thờ Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại vương cùng Thánh phụ Phạm Thiều và thánh mẫu Lý Thị Trạch.
Đình Ngoài ở ngoài đồng thuộc thôn Trung, Đình có hồ lớn gọi là hồ Tròn, nơi thờ chính của Đô Hồ Đại vương Phạm Tu là thành hoàng làng Thanh Liệt, nơi mà nhiều năm gần đây dân làng Thanh Liệt và bà con họ Phạm trên khắp cả nước thường về dự tế lễ nhân ngày giỗ của Người vào ngày 20 tháng 7 âm lịch hàng năm.
Tháng 10 năm 1996, cuộc họp mặt toàn quốc lần thứ Nhất của các dòng họ Phạm đã thành lập Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam tại chùa Quán Sứ. Ngay từ khi thành lập Ban Liên lạc đã suy tôn danh tướng Phạm Tu là Thượng thuỷ tổ của các dòng họ Phạm Việt Nam vì Người là vị họ Phạm xuất hiện đầu tiên trong chính sử và có nhiều công lao cho đất nước. Và từ khi đó đến nay hàng năm bà con họ Phạm ở nhiều địa phương trong cả nước thường về dự giỗ Tổ Phạm Tu tại đền thờ của Người ở làng Thanh Liệt.
Năm nay, nhân ngày giỗ lần thứ 1461 của Thượng thuỷ tổ Phạm Tu và nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam, bà con chúng ta lại một lần nữa về quê hương của Thuỷ tổ tại Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội để dự lễ tế Tổ, dâng nén hương thơm nhớ về tổ tiên, nhớ về vị tiền bối đã làm rạng danh dòng họ Phạm và cũng là về dự Cuộc họp mặt dòng họ Phạm lần thứ 10 ở ngay tại quê hương Người.
Nguồn tin: www.hophamvietnam.org
Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét