Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

CÓ ĐỒNG NHẤT TẢ TƯỚNG PHẠM TU VỚI PHÒ MÃ LÝ PHỤC MAN ĐƯỢC KHÔNG?

Nội dung chính đã đăng trong bài báo “Phạm Tu không phải Lý Phục Man” trên báo QĐND cuối tuần số 692 ra ngày 05/4/2009
Trong các tài liệu lịch sử để lại, có một số nhân vật lịch sử của nước ta còn chưa thống nhất về tên tuổi. Trong đó, trường hợp hiếm có là việc một số tài liệu đồng nhất hai nhân vật lịch sử cách đây 15 thế kỷ: lão tướng Phạm Tu (476-545) và phò mã Lý Phục Man. Do tư liệu về giai đoạn này còn lại không nhiều nên phải suy luận từ những gì còn ghi lại với mục đích tìm ra điều chân thực. Đồng thời cũng để xem xét những thông tin mà người đời sau bổ sung có phù hợp với đời sống thời Lý Nam Đế hay không.
Vào năm 544, Nhà nước Vạn Xuân được Lý Bí (503-548) thành lập có hai ban Văn Võ. Lão tướng Phạm Tu đứng đầu Ban Võ. Thời đó còn có một danh tướng Lý Phục Man: «ông được gả công chúa Lý Nương, ban cho ông họ Lý và chức Thiếu uý, được gọi là Phục Man tướng quân. Trở về quê quản lĩnh vùng đất Đỗ Động, Đường Lâm.»
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan viết: «…Còn trong bộ “TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM” (Nxb. Khoa học xã hội, H., 1991, tr. 744): “Quê làng Giá, thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ông được vua Lý phong tước Phục Man tướng quân, đổi theo họ vua là Lý, nên cũng gọi là Lý Tu hay Lý Phục Man, lại được vua gả công chúa Phương Dung cho... Mộ và đền thờ ông nay hãy còn di tích tại quê ông ở làng Giá.”
Như vậy ở đây có việc đồng nhất Phạm Tu với một vị thần là Lý Phục Man, được sách cổ “VIỆT ĐIỆN U LINH” chép từ đầu thế kỷ 14, và là vấn đề sử học được nêu ra đã lâu nhưng chưa được giải quyết.»
Để tìm hiểu việc đồng nhất này, chúng ta thử dùng phương pháp “phản chứng” tạm giả thiết: lão tướng Phạm Tu chính là phò mã Lý Phục Man. Nếu vậy thì:
1. Một vị đứng đầu Ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân-Tả tướng Phạm Tu, (Lý Phục Man) “được cử làm tướng quân coi giữ một miền biên cảnh”? Có hẳn một Ban Võ, thì chắc chắn Nhà nước Vạn Xuân không thể để Lão tướng đứng đầu Ban Võ đi giữ biên cảnh phía Tây (Đỗ Động, Đường Lâm), trong khi vùng trọng yếu hơn vẫn là phía Bắc.
2. Lý Nam Đế gả công chúa Phương Dung (Lý Nương) cho Phạm Tu sao? Nếu có sự kiện này chỉ có thể xảy ra từ năm 542 đến 545. Để làm rõ điều này chúng ta xét năm sinh của Lý Bí là 503; của Phạm Tu là 476; như vậy Phạm Tu hơn Lý Bí 27 tuổi. Nếu sớm nhất là năm 542, Lý Bí gả công chúa cho Phạm Tu (Lý Phục Man), lúc này Phạm Tu đã 67 tuổi; Lý Bí 40 tuổi và con gái của Lý Bí chắc cũng khoảng mười chín, đôi mươi. Một công chúa trẻ vậy mà Hoàng đế lại gả cho Lão tướng đáng tuổi cha mình, đáng tuổi ông của công chúa sao?
Việc ban quốc tính thực hiện đại trà ở thời Lê Thái Tổ, ở thời hậu Lý không phổ biến mà nhà vua thường ban cho một số nhân vật tiêu biểu. Còn thời tiền Lý trước đó hơn 5 thế kỷ, không lẽ Lý Nam Đế thiên vị: ban cho Tả tướng Phạm Tu quốc tính là Lý Tu, mà Trưởng Ban Văn-Tinh Thiều, Thái phó-Triệu Túc không được ban quốc tính?
Trong khi đó từ khi Lý Bí khởi nghĩa (541) đến lúc ông mất (548) là bảy năm, mà Phạm Tu là lão tướng còn phò mã Lý Phục Man là vị tướng trẻ tuổi. Không hiểu vì “cơn cớ” gì mà chúng ta có thể chấp nhận hai người này là một? Xét theo tuổi tác, các nhân vật thời này có thể chia hai thế hệ:
1. Phạm Tu (476-545), Triệu Túc, Tinh Thiều (2 vị này có thể ở đầu thế hệ thứ 2)
2. Lý Thiên Bảo (499-555), Lý Bí (503-548), Phạm Tĩnh (theo tư liệu dòng họ: ông là con Phạm Tu), Lý Phục Man , Triệu Quang Phục (?-571), Lý Phật Tử (?-602-?) , …
Điều chúng ta có thể thấy: Lý Phục Man là một tướng quân trẻ tuổi, tài giỏi nên được Lý Nam Đế gả công chúa. Vùng phò mã cai quản cũng là vùng quê của Lý Bí. Có phải chính Lý Phục Man là người bảo vệ bên cạnh Lý Nam Đế, rồi sau về động Khuất Liêu. Nên rất có thể Lý Nam Đế và Lý Phục Man cùng mất năm 548 ở động Khuất Liêu.
Từ những suy luận nêu trên cho thấy: việc đồng nhất hai nhân vật lịch sử Phạm Tu (476-545) và Lý Phục Man (?-548) là thiếu cơ sở. Rõ ràng là cuốn “TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM” in năm 2006 có nêu hai nhân vật riêng biệt, không coi Phạm Tu và Lý Phục Man là một người như cuốn sách cùng tên in năm 1991. Đó là một kết luận hợp lý!
*
Theo hoạt động năm 2008 của Bộ môn Cận tâm lý thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thì nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã xác định mộ của danh tướng Phạm Tu ngay trong khuôn viên trụ sở UBND thành phố Hà Nội -một ngôi mộ cổ cách nay gần 15 thế kỷ. Nếu đây là sự thật thì sẽ xóa đi việc tồn nghi cho là Lão tướng mất ở động Khuất Liêu vào năm 548 và không thể có mộ của Phạm Tu ở làng Giá (xã Yên Sở, Hoài Đức). Một lần nữa khẳng định chính xác: Lão tướng Phạm Tu (476-545) quê ở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Người hy sinh trong trận chiến chống quân Lương ở chiến thành cửa sông Tô vào ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu (545) . Từ lúc sinh ra đến khi hiển hóa, ông đã gắn bó với mảnh đất núi Nùng sông Tô với dấu ấn không phai mờ không ai có thể phủ nhận được công lao của ông với mảnh đất này cùng sự phát triển Thăng Long Hà Nội trải qua nghìn năm văn hiến.
Bảo tàng Hà Nội vừa khánh thành nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Trên tầng 2 phía trong, bên phải (theo hướng vào cửa), nơi trưng bày về các cuộc khởi nghĩa thời Bắc thuộc dành một bảng về khởi nghĩa Lý Bí, ảnh chụp bức tranh thờ Phạm Tu ở Đình Ngoại được treo trên ảnh chùa Trấn Quốc (thời đó là chùa Khai Quốc). Một vị trí có ý nghĩa khi nhìn thẳng xuống phía Nam về Thanh Liệt với cự ly 5 km.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Họ tên:
Email:
Tiêu đề:
Lời nhắn:
Xác nhận:
free counters